HỘI LỌC MÁU VIỆT NAM
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Hà Nội ngày 29 tháng 01 năm 2021
Thân gửi Quý thầy cô, các anh chị đồng nghiệp cả nước
Trong vài ngày gần đây, dịch bệnh COVID-19 lại một lần nữa bùng phát tại Hải Dương, Quảng Ninh, lan ra các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng. Số lượng người mắc COVID-19 tăng rất nhanh. Điều lo lắng nhất với chúng tôi là dịch bệnh có thể một lần nữa lại tấn công vào người bệnh lọc máu.
Kính thưa các bạn đồng nghiệp.
Chúng tôi, những người trực tiếp tham gia chống dịch tại Đà Nẵng từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020, cảm nhận sâu sắc nhất những khó khăn gặp phải khi dịch bệnh xuất hiện ở đối tượng người bệnh thận nhân tạo. Đây là đối tượng người bệnh đặc biệt, không thể áp dụng các quy trình cách ly cũng như giãn cách xã hội như đối với cộng đồng bình thường. Khi đó, cần cách ly toàn bộ người bệnh ở một địa điểm tập trung và phân loại nguy cơ lây nhiễm cũng rất phức tạp. Hơn thế nữa, người bệnh vẫn phải đến bệnh viện để lọc máu, vì vậy tổ chức đưa đón người bệnh đi chạy thận cũng cần phải tính toán rất chi tiết và cẩn thận.
Tại Đà Nẵng, chúng tôi đã phải xây dựng 01 trung tâm Thận tiết niệu – Hồi sức cấp cứu – chạy thận nhân tạo (TTN-HSCC-TNT) dã chiến riêng để điều trị cho người bệnh lọc máu nhiễm COVID-19. So với cơ sở hạ tầng điều trị COVID-19 đơn thuần thì việc xây dựng trung tâm TTN-HSCC-TNT phức tạp hơn rất nhiều. Từ việc lắp đặt đường ống dẫn nước, điện, đường thải, đường oxy, các loại máy thở, ECMO, CRRT.. đến việc kiểm tra tính an toàn sau khi lắp đặt, đòi hỏi huy động một lượng nhận lực lớn, đồng thời cần nhiều thời gian, tiền bạc hơn.
Việc xây dựng đã khó, quá trình điều trị còn khó khăn hơn. Bệnh nhân lọc máu nhiễm COVID-19 sẽ có nhiều biến chứng hơn. Các biến chứng lâu dài có điều kiện để thúc đẩy tiến triển xấu hơn như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, thừa cân, trầm cảm, thiếu máu không đáp ứng với điều trị…
Diễn biến hô hấp ở bệnh nhân lọc máu nhiễm COVID-19 cũng nặng hơn rất nhiều so với đối tượng khác. Đặc biệt là đối tượng bệnh nhân vừa hồi sức, vừa chạy thận nhân tạo. Những khó khăn của chúng tôi gặp phải như nguy cơ bội nhiễm các vi khuẩn khác cao hơn, đặc biệt là vi khuẩn đa kháng. Việc quản lý dịch vào ra khó khăn hơn nhiều do bệnh nhân được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn và dùng rất nhiều thuốc tiêm và dịch truyền. Đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân rất kém nếu như không phải nói là không còn khả năng chống chọi. Các báo cáo từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng đã cho thấy tỷ lệ tử vong ở đối tượng người bệnh lọc máu là rất cao, 20 – 50%, tức cao hơn 10 đến 25 lần so với cộng đồng chung.
Do đó, như Phó thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam đã nói “Phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất là đừng để dịch xảy ra”. Câu nói đó càng đúng hơn đối với chúng ta và người bệnh, những người trực tiếp tham gia điều trị cho người bệnh lọc máu. Qua thư này, chúng tôi mong muốn Quý thầy cô, các anh chị đồng nghiệp bằng tất cả các biện pháp có thể, cảnh giác cao độ để phòng ngừa COVID-19 trong cộng đồng nói chung và đối tượng bệnh nhân lọc máu nói riêng. Mong Quý thầy cô và các anh chị đồng nghiệp giữ gìn sức khỏe thật tốt và làm tốt công tác phòng chống dịch.
Xin chân thành cảm ơn!
BAN THƯỜNG VỤ HỘI LỌC MÁU VIỆT NAM