Lọc máu được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1972, sau hơn 50 năm phát triển, Chuyên ngành lọc máu đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và người dân cả nước. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành kịp thời nhiều hướng dẫn, tạo điều kiện cho chuyên ngành lọc máu ngày càng được phát triển sâu rộng. Trong thực hành thực tế, các bệnh viện vẫn gặp một số khó khắn, vướng mắc. Nhằm giải quyết một số vướng mắc đó, ngày 07 tháng 01 năm 2023, Hội Lọc máu Việt Nam, phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa Bệnh và Bảo Hiểm xã hội Việt Nam tổ chức buổi hội thảo với chuyên đề “Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong thực hành điều trị và thanh toán bảo hiểm y tế trong lọc máu”. Hội nghị được tiến hành trực tuyến với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo Hiểm xã Hội Việt Nam, và gần 200 đại biểu là các Bác sỹ, điều dưỡng đang công tác trong các đơn vị lọc máu trên toàn quốc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, TS. Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, BSCKI Nguyễn Thành Hùng đã trình bầy báo cáo tổng quan chuyên ngành lọc máu Việt Nam. Báo cáo đã cho thấy hiện nay Việt Nam có khoảng 41.000 bệnh nhân được điều trị thay thế thận, trong đó, 82.5% (tương đương với khoảng 33.000) bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối được điều trị bằng phương pháp thận nhân tạo. Cả nước có hơn 350 đơn vị thận nhân tạo, trong đó, 32.5% đơn vị hành chính cấp Quận, huyện có đơn vị thận nhân tạo. Tỷ lệ bệnh nhân lưu hành điều trị thay thế thận là 410 bệnh nhân mỗi triệu dân, trong đó, tỷ lệ lưu hành bệnh nhân điều trị lọc máu là 325 bệnh nhân mỗi triệu dân, so với các nước trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ lưu hành bệnh nhân điều trị thay thế thận thấp.Tỷ lệ phát sinh mới là 59.6 bệnh nhân mỗi triệu dân, trong khi tỷ lệ bệnh nhân tử vong năm 2022 là 25.1 bệnh nhân mỗi triệu dân, xu hướng tăng bệnh nhân điều trị lọc máu hàng năm ước tính khoảng 37 bệnh nhân mỗi triệu dân, ở mức trung bình so với các nước trên thế giới. Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, số lượng  bệnh nhân tăng lên khoảng 4000 bệnh nhân mỗi năm, tương đương Việt Nam cần phát triển thêm 4 đơn vị lọc máu với quy mô 20 máy mỗi tháng.

Cũng tại Hội nghị, BS Nguyễn Thanh Hùng đã trình bầy một số vướng mắc trong thực hành kỹ thuật thận nhân tạo gồm triển khai một số Thông tư, hướng dân gồm Quyết định số 355/QĐ-BYT ngày 9 tháng 2 năm 2012 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt danh mục định mức tạm thời thuốc, hóa chất và vật tư tiêu hao để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ Y tế; Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế về việc Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thống tư số 50/2014/TT-BYT ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực tỏng từng ca phẫu thuật, thủ thuật; Thông tư số Số: 35/2016/TT-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2016 và Thông tư 50/2017/TT-BYT gày 29 tháng 12 năm 2017 về các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và một số văn bản khác.

Phát biểu tại Hội Nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, biểu dương nỗ lực của các thế hệ thầy trò trong chuyên ngành lọc máu. Việc tổ chức, lắng nghe ý kiến của các bác sỹ, điều dưỡng là một việc cần thiết để các cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi các văn bản, thông tư, hướng dẫn cho phù hợp với sự phát triển thực tế là cần thiết trên tinh thần tính đúng, tính đủ, nâng cao chất lượng điều trị người bệnh lọc máu, giảm gánh nặng và áp lực công việc cho nhân viên y tế. 

Đa số đại biểu nhất trí cao với đề xuất của Hội Lọc máu Việt nam, nổi bật trong đó là đề suất thay đổi, bổ sung các vật tư, thuốc, hóa chất tiêu hao trong kỹ thuật thận nhân tạo của Quyết định 355/QĐ-BYT như sử dụng dây máu một lần, thay đổi cách tính định mức sử dụng lại quả lọc, dây truyền dịch, bổ sung các test tồn dư hóa chất và test nồng độ hữu dụng của hóa chất bảo quản quả lọc; sửa đổi, thống nhất tên gọi của kỹ thuật phối hợp thận nhân tạo và hấp phụ máu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện trong công tác đấu thầu, triển khai kỹ thuật và thanh toán bảo hiểm y tế; Phối hợp với Hội Lọc máu Việt Nam sửa đổi lại các điều kiện thanh toán kỹ thuật HDF online, lọc máu cấp cứu và bổ sung điều kiện thanh toán cho một số kỹ thuật chưa có quy định như kỹ thuật phối hợp thận nhân tạo và hấp phụ máu, thanh toán điều trị thận nhân tạo bằng đường vào mạch máu qua catheter…

Lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Hội Lọc máu Việt Nam cần thực hiện nhiều khảo sát, điều tra hơn về tỷ lệ lưu hành, phát sinh, nhập viện, tử vong, sử dụng vật tư, và các kết quả điều trị người bệnh khác để có cơ sở tham mưu xây dựng các văn bản pháp luật liên quan.