LỌC MÀNG BỤNG LÀ GÌ?

Lọc màng bụng là một phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối, khi thận của bạn không thể thực hiện được chức năng.

TẠI SAO TÔI CẦN LỌC MÀNG BỤNG?

Bạn cần điều trị bởi thận của bạn không có khả năng lọc sạch máu và loại bỏ nước thừa. Dù bệnh nhân suy thận có thể vẫn còn ít chức năng thận, nhưng không đủ khả năng để thực hiện chức năng và bạn sẽ tử vong nếu không được điều trị.

Chú ý : Bạn nên cố gắng bảo tồn chức năng thận còn lại. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chức năng thận còn lại giúp bệnh nhân khỏe hơn và kéo dài cuộc sống hơn. Bạn nên hỏi bác sỹ về các phương pháp để từng bước duy trì chức năng thận còn lại :

–      Uống thuốc hạ huyết áp đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể AT1. Các thuốc đó có tác dụng bảo vệ thận.

–      Tránh các thuốc gây độc cho thận như các thuốc giảm đau NSAID và các thuốc kháng sinh.

–      Uống thuốc lợi tiểu để loại bỏ muối và nước thừa.

–      Kiểm soát đường huyết nếu bạn bị đái tháo đường.

CÓ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SUY THẬN NÀO KHÁC NỮA KHÔNG ?

Có, có hai phương pháp điều trị thay thế thận. Chúng là :

  • Thận nhân tạo (xem bài những điều cần biết về thận nhân tạo)
  • Ghép thận (xem bài những điều cần thiết về ghép thận)

LỌC MÀNG BỤNG ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THÊ NÀO?

lọc màng bụng

Một ống nhỏ, được gọi là catheter được đưa vào ổ bụng của bạn qua một phẫu thuật. Catheter này sử dụng dễ dàng để bạn đưa hai đến ba lít dịch vào trong ổ bụng. Dịch đưa vào ổ bụng được gọi là dịch lọc. Mất khoảng 10 phút để đưa lượng dịch này vào trong ổ bụng. Sau khi đã đầy, catheter sẽ được khóa lại.

Điều gì xảy ra sau đó?

Màng bụng (được gọi là màng lọc) hoạt động như một màng lọc tự nhiên. Nó lấy dịch và các chất thải thừa từ trong máu đến dịch lọc. Lúc này, màng bụng sẽ giữ lại những chất quan trọng như tế bào máu và các chất dinh dưỡng.

Để làm được việc này, dịch lọc phải ở lại trong bụng của bạn 2 giờ hoặc hơn, phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể và các chất thải cần loại bỏ. Thời gian này được gọi là thời gian chững.

Sau thời gian chững, bạn dẫn lưu dịch từ bụng vào một túi rỗng và bỏ đi. Bạn làm lại nhiều lần trong ngày. Lọc màng bụng có thể làm ở nhà, ở trường, ở nơi bạn đang làm việc và đi du lịch.

TÔI HỌC LỌC MÀNG BỤNG NHƯ THẾ NÀO ?

Các nhân viên đào tạo của trung tâm lọc máu sẽ đào tạo những thứ cần biết, bao gồm làm thế nào để thay dịch, thứ tự tiến hành, làm sạch và sát trùng catheter, các phương pháp tránh nhiễm khuẩn. Khi bạn đã có khả năng tiến hành kỹ thuật độc lập, bạn có thể tự lọc máu ở nhà.

CÓ NHIỀU LOẠI LỌC  MÀNG BỤNG KHÁC NHAU KHÔNG ?

Có. Những loại chính là:

  • CAPD: bạn tự đổi dịch 3 đến 4 lần một ngày
  • CCPD: một máy được gọi là máy quay sẽ tự động thay dịch khi bạn đang ngủ. Bạn có thể chỉ cần thay dịch một lần trong cả ngày nếu chức năng thận của bạn giảm nhiều.

TÔI BIẾT LỌC MÁU BAO NHIÊU LẦN ?

Ở những người khác nhau số lần lọc máu có thể khác nhau. Nó cơ bản dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cân nặng, sức khỏe, chức năng thận còn lại và kết quả xét nghiệm của bạn. Bác sỹ sẽ kê liều lọc màng bụng cho bạn để chỉ dành riêng cho bạn. Liều lọc máu nói lên:

  • Bạn cần thay dịch bao nhiêu lần mỗi ngày.
  • Dịch ở trong bụng của bạn bao nhiêu lâu (thời gian chững)
  • Loại và số lượng dịch lọc bạn cần sử dụng mỗi lần thay dịch.

LIỀU LỌC MÁU CỦA TÔI DỰA TRÊN ĐIỀU KIỆN GÌ ?

Bác sỹ kê đơn dựa trên :

  • Trọng lượng cơ thể:

Nếu bạn nặng cân bạn cần thay dịch nhiều hơn và túi dịch to hơn.

  • Chức năng thận còn lại:

Bạn cần bao nhiêu lần lọc máu dựa trên chức năng thận còn lại của bạn còn bao nhiêu. Chức năng thận còn lại của bạn được đo dựa trên xét nghiệm nước tiểu thu thập trong 24 giờ. Bạn sẽ được đánh giá trong tháng điều trị đầu tiên và mỗi bốn tháng sau đó nếu lượng nước tiểu của bạn còn duy trì. Tuy nhiên, nếu lượng nước tiểu của bạn giảm, bạn có thể được đo hai tháng một lần. Bạn nên theo dõi lượng nước tiểu hàng ngày.

  • Tình trạng dinh dưỡng:

Bạn thấy lọc máu tốt như thế nào có thể phản ánh qua việc bạn ăn tốt như thế nào. Bạn sẽ được tư vấn để có chế độ ăn đúng.

  • Tình trạng sức khỏe chung:

Nếu bạn lọc máu đầy đủ, bạn sẽ thấy tốt, ăn ngon miệng, đủ sức khẻo cho những hoạt động ưa thích. Bạn cần nói cho bác sỹ nếu :

  • Thấy buồn nôn
  • ăn không ngon
  • chán ăn
  • mệt mỏi sau những hoạt động hàng ngày

Nó có nghĩa là bạn đang có vấn đề sức khỏe nào đó hoặc lọc máu không đầy đủ. Nếu vậy, bác sỹ cần thay đổi liều lọc máu hoặc cho thuốc điều trị

  • Đánh giá cân bằng màng bụng:

Đánh giá này được làm trong 4 – 8 tuần sau khi bạn bắt đầu lọc màng bụng. Nó nói lên màng bụng của bạn làm việc như thế nào và giúp bác sỹ quyết định bạn thay dịch bao nhiêu lần mỗi ngày, dịch ở trong màng bụng bao nhiêu lâu, số lượng dịch cần và loại dịch sử dụng.

Chú ý : để lọc máu theo đơn đúng số lượng phụ thuộc trên việc bạn thực hiện liều lọc máu như thế nào. Bạn nên :

–      Thực hiện đầy đủ theo đơn

–      Thực hiện đủ thời gian chững

–      Sử dụng đúng lượng dịch

–      Đề phòng nhiễm trùng bằng cách thực hiện đúng kỹ thuật

–      Uống đủ, đúng các loại thuốc theo đơn

–      Thực hiện đúng chế độ ăn và uống, thừa dịch dẫn đến phù, thở ngắn, tăng huyết áp

–      Báo cho bác sỹ những vấn đề mắc phải

–      Đừng bao giờ sợ nói chuyện với bác sỹ về số lượng thay dịch thực sự. Đây là cách tốt nhất để kiểm tra xem bạn đã thực hiện đúng chưa.

BÁC SỸ THEO DÕI ĐIỀU TRỊ KHÔNG ?

Có. Bác sỹ sẽ đánh giá điều trị của bạn thông qua xét nghiệm máu. Điều này nói lên bạn có lọc đủ các chất thải trong máu không. Xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra liều được gọi là Kt/V. Tổng Kt/V từ các lần lọc máu không được thấp hơn 1.7 mỗi tuần.

ĐÁNH GIÁ ĐIỀU TRỊ CỦA TÔI BAO NHIÊU LẦN ?

Liều lọc máu được đánh giá lại sau bốn tháng. Nó còn được đánh giá thường xuyên hơn khi :

  • Lần đầu tiên điều trị lọc màng bụng
  • Thay đổi liều lọc máu
  • Bác sỹ thấy cần thiết
  • Chức năng thận còn lại đang giảm

Để đánh giá liều lọc máu, bác sỹ yêu cầu bạn mang theo dịch lọc 24 giờ hoặc một mẫu trong các túi dịch. Bạn cũng được yêu cầu mang theo nước tiểu 24 giờ. Cả hai rất quan trọng để đánh giá tổng liều lọc máu.

NẾU SỨC KHỎE CỦA TÔI XẤU ĐI THÌ ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA?

Kể cho bác sỹ nghe. Bác sỹ sẽ làm các xét nghiệm để tìm hiểu lý do. Bạn sẽ được kiểm tra nếu :

  • Bạn đã thực hiện đầy đủ theo đơn
  • Bạn có vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh thận và lọc máu
  • Màng bụng của bạn không được tốt

Màng bụng của bạn không còn tốt nếu bạn nhiễm trùng hoặc nếu bạn đã lọc máu nhiều năm. Nếu vậy, bác sỹ cần thay đổi điều trị.

  • Chức năng thận còn lại của bạn giảm quá nhiều. Nếu xảy ra, bác sỹ có thể yêu cầu bạn
    • Tăng số lượng túi dịch mỗi ngày
    • Sử dụng máy lọc màng bụng
    • Đổi sang điều trị thận nhân tạo

TÔI CÓ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĂN ĐẶC BIỆT KHÔNG ?

(xem bài dinh dưỡng và lọc máu)

VIÊM PHÚC MẠC LÀ GÌ ?

Một vấn đề bạn cần biết về lọc màng bụng là viêm phúc mạc, một loại nhiễm trùng màng bụng. Viêm phúc mạc xảy ra khi vi khuẩn vào ổ bụng qua catheter. Điều trị bằng kháng sinh nhưng quan trọng nhất là bạn cần điều trị sớm. Khi bạn thay dịch cần :

  • Bạn cần chắc chắn vị trí gắn túi dịch phải được làm sạch
  • Bạn và bất kỳ ai trong phòng lọc cần đeo găng tay vô khuẩn và đeo khẩu trang
  • Không được để trẻ con hoặc thú nuôi trong phòng
  • Đóng cửa đi và của sổ cũng như tắt quạt và điều hòa nhiệt độ.
  • Đánh sạch bàn tay trong ít nhất hai phút trước khi tiến hành lọc, sử dụng xà phòng, rửa tay đúng các bước theo hướng dẫn.
  • Lau khô tay với khăn giấy vô khuẩn sử dụng một lần. Không nên chạm bất cứ thứ gì không liên quan đến điều trị, kể cả da và tóc của bạn. Nếu bạn lỡ chạm vào bất cứ vật nào khác, bạn phải rửa tay lại.
  • Tránh ho và hắt hơi. Nếu bạn ho và hắt hơi bạn có thể phải tiến hành lại từ đầu.

Để chắc chắn, bạn cần tham gia một khóa học tiến hành kỹ thuật. Bạn đừng cố làm nếu không hỏi bác sỹ về các bước tiến hành kỹ thuật điều trị.

TRIỆU CHỨNG VIÊM PHÚC MẠC LÀ GÌ ?

Các triệu chứng viêm phúc mạc chính là :

  • Dịch lọc bị đục khi bạn dẫn lưu ra ngoài
  • Đau bụng bất thường, thường từ trung bình đến nặng.
  • Sốt hoặc rét run

Nếu bạn có các triệu chứng đó, báo bác sỹ ngay. Điều trị sớm viêm phúc mạc rất quan trọng. Nếu không điều trị sớm, nhiễm trùng sẽ xấu đi nhanh và bạn phải nhập viện. Cần nói thêm, nhiễm trùng sẽ tạo sẹo ở màng bụng và làm cho hiệu quả lọc giảm. Nếu giảm nhiều, bạn có thể thay đổi điều trị như chuyển sang điều trị thận nhân tạo.

CÒN LOẠI NHIỄM TRÙNG NÀO KHÁC CẦN ĐỂ Ý ?

Nhiễm trùng còn xảy ra ở vị trí đặt catheter. Bạn nên làm sạch da chân catheter ít nhất một lần một ngày bằng xà phòng và nước. Bạn nên tự khám chân catheter hàng ngày. Nếu bạn bị nhiễm trùng, bạn thường thấy có những dấu hiệu ở giai đoạn sớm :

  • có mủ chẩy ra
  • sưng đỏ chân catheter
  • phù hoặc phồng quanh chân catheter
  • đau nhiều
Chú ý :

Chăm sóc cẩn thận catheter là biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng rất quan trọng. Đây là những mục tiêu chính :

–      Kiểm tra chân catheter hàng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng

–      Không mặc áo bó hoặc đeo thắt lưng quanh chân catheter

–      Rửa tay bằng xà phòng và nước và lau khô bằng khăn giấy vô khuần sử dụng một lần trước khi chạm vào catheter, trước và sau khi thay dịch.

–      Băng ép catheter vào da bụng

–      Giữ catheter xa những vật sắc nhọn như dao, kim, kéo

–      Làm sạch catheter bằng khăn ướt vô khuẩn mỗi ngày.

–      Sử dụng loại băng chân catheter đặc biệt

–      Không được phép kéo hoặc đẩy catheter

KIỂM TRA HÀNG NGÀY

Kiểm tra Các dấu hiệu
Cân nặng hàng ngày ở cùng một thời điểm Nếu bạn tăng cân đột ngột kèm theo thở ngắn, phù, tăng huyết áp là dấu hiệu thừa quá nhiều dịch.

Nếu bạn tăng cân từ từ mà không có dấu hiệu đó thì có thể bạn đang tăng cân do nhiều mỡ hoặc cơ.

Giảm cân và huyết áp thấp là dấu hiệu bạn đang thiếu dịch

Kiểm tra mạch, huyết áp hàng ngày Mạch và huyết áp tăng là do bạn đang thừa dịch
Kiểm tra dịch khi bạn dẫn lưu ra ngoài Dịch lọc khi ra ngoài có thể trong hoặc mầu vàng. Dịch đục là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Nếu có những sợi trằng có thể do đông vón protein. Nó không quá nghiêm trọng trừ khi nó làm tắc catheter

Trong dịch lọc có thể có những sợi mầu hồng thường là do có máu. Ở phụ nữ thường cùng với chu kỳ kinh. Nhưng nó cũng có thể có sau khi bạn vận động mạnh.

Tự kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng Đau bụng, sốt, dịch lọc đục là dấu hiệu viêm phúc mac. Viêm phúc mạc thường diễn biến nhanh

NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM:

  • Thực hiện đúng chế độ ăn, uống thuốc, lọc máu theo đơn
  • Hỏi bác sỹ về chế độ ăn đúng năng lượng
  • Hỏi bác sỹ về số lượng nước bạn được phép uống
  • Thực hiện chế độ ăn muối và nước cho phép, tránh tăng cân quá nhiều. Bác sỹ có thể sẽ phải thay đổi đơn thuốc điều trị huyết áp cho bạn.
  • Bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ khi phải dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
  • Bạn cần sử dụng thuốc chống đông để bơm vào catheter. Bạn hãy hỏi bác sỹ cách tiến hành.
  • Không lo lắng nếu có một ít máu trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc sau vận động mạnh. Nhưng nếu dịch lọc có mầu hồng hoặc đỏ, bạn cần đến khám bác sỹ ngay.

BSCKI Nguyễn Thanh Hùng