Khi bạn bắt đầu điều trị lọc máu, liệu chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng, bạn bắt đầu thấy tốt hơn khi máu của bạn được làm sạch. Để chắc chắn bạn đã lọc máu thích hợp, bác sỹ của bạn sẽ làm xét nghiệm để tính xem buổi lọc máu của bạn có tốt không. Nếu bác sỹ thấy máu của bạn chưa thực sự được làm sạch đầy đủ, bác sỹ sẽ thay đổi các thông số điều trị để giúp cho điều trị của bạn tốt hơn. Hai chỉ số thường được sử dụng là URR (tỷ lệ giảm ure) và Kt/V (đọc là Ka tê trên vê).
URR
Tỷ lệ giảm ure (URR) là một cách tính lọc máu có được đầy đủ không, nó cho biết bao nhiêu ure đã được lọc trong một buổi chạy thận. Bạn phải làm xét nghiệm ure máu trước lọc máu và sau lọc máu để tính toán. Mục tiêu là mức độ giảm ure ít nhất phải là 65%.
Kt/V
Cũng giống như URR, Kt/V là một phép đo tính toán lọc máu đầy đủ.
Kt/V là một biểu thức toán học, gồm 3 thành phần
- K: độ thanh thải, nó cho biết bao nhiêu máu được làm sạch khi qua quả lọc trong một khoảng thời gian, đơn vị tính là mL/phút.
- T: thời gian của buổi lọc máu (phút hoặc giờ)
- V: là lượng nước trong cơ thể của bạn, tính bằng đơn vị lít
Khi bạn là chọn điều trị chạy thận nhân tạo 3 buổi một tuần, bạn cần lấy máu xét nghiệm máu, cũng như URR, bạn sẽ được lấy máu xét nghiệm ure trước và sau chạy thận, bác sỹ sẽ đưa kết quả xét nghiệm này, cùng với các chỉ số cân nặng trước chạy thận, cân nặng sau chạy thận, thời gian buổi lọc máu để đưa vào công thức để tính toán. Theo khuến cáo của KDOQI, Kt/V ít nhất 1.2, bạn sẽ thường được tính Kt/V 1 tháng một lần để điều chỉnh
Còn trong lọc màng bụng ngoại trú liên tục, Kt/V được tính bằng xét nghiệm dịch lọc màng bụng và lấy nước tiểu 24 giờ. Yêu cầu trong lọc màng bụng là Kt/V hàng tuần ít nhất 2.0.
KIỂM TRA Kt/V VÀ URR
Trong thận nhân tạo, xét nghiệm thường được làm định kỳ hàng tháng; còn trong lọc màng bụng, xét nghiệm có thể làm hàng quý. Khi có kết quả xét nghiệm, bạn nên hỏi bác sỹ về kết quả xét nghiệm để ghi chép vào sổ theo dõi.
NẾU Kt/V CỦA TÔI THẤP, TÔI PHẢI ĐIỀU CHỈNH GÌ?
Nếu chỉ số không đạt được, bạn nên thảo luận với bác sỹ để có điều chỉnh thích hợp. Nếu chỉ số lọc máu thấp kéo dài, điều đó có nghĩa là các độc tố không được lọc đầy đủ, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Một số điều chỉnh có thể là:
- Tăng tốc độ máu: khi bạn tăng tốc độ máu, bạn sẽ làm cho độ thanh thải quả lọc (hệ số K) tăng lên, tăng hiệu quả lọc máu
- Tăng thời gian lọc máu
- Thay loại quả lọc mới có hiệu quả lọc máu cao hơn
- Tăng tốc độ dịch lọc
- Tìm kiếm nguyên nhân như tái tuần hoàn, hẹp đường vào mạch máu, đông máu trong quả lọc…
TỐC ĐỘ MÁU LÝ TƯỞNG CHO CHẠY THẬN NHÂN TẠO
Trong chạy thận nhân tạo, một bơm máu thường chạy với tốc độ hằng định và đẩy máu qua quả lọc và máu được làm sạch trở về cơ thể. Bác sỹ sẽ kê cho bạn một tốc độ máu. Tốc độ này thường nằm trong khoảng 300 đến 500 ml/phút. Bạn nên hỏi bác sỹ xem làm thế nào để biết tốc độ máu trên máy chạy thận. Với nhiều quả lọc, tóc độ máu lớn hơn 400 làm tăng hiệu quả lọc độc tố. Tốc độ máu thường bị hạn chế bởi kích thước của đường vào mạch máu (cầu tay), ống dẫn máu, kim.
ÁP LỰC ĐỘNG MẠCH VÀ ÁP LỰC TĨNH MẠCH TRÊN MÁY THẬN.
Máy thận nhân tạo sẽ theo dõi áp lực máu của bạn bên trong ống dẫn máu. Phụ thuộc vào loại máy, áp lực động mạch dẽ đo ở một hoặc hai vị trí. Một vị trí nằm giữa kim và bơm máu (áp lực động mạch trước bơm), vị trí còn lại sẽ nằm ở giữa bơm máu và quả lọc (áp lực động mạch sau bơm). Còn áp lực tính mạch sẽ được đo sau quả lọc.
Báo động áp lực động mạch thường xảy ra khi quá thấp hoặc quá cao, có thể do:
- Thoát máu từ đường vào mạch máu (cầu tay) ra xung quanh
- Đông máu đường vào hoặc kim
- Kim chạm vào thành mach
- Gập hoặc xoắn ống dẫn máu
- Huyết áp thấp
- Bơm máu chạy quá nhanh hoặc quá chậm
- Tách ống dẫn máu khỏi đường vào mạch máu hoặc quả lọc, đặc biệt là các vị trí kết nối.
Áp lực tĩnh mạch được đo ở giữa quả lọc và vị trí trở về cơ thể. Nếu áp lực tính mạch tăng dần theo tuần, điều đó có thể do đường vào mạch máu của bạn đang bị hẹp. Còn nếu trong trường hợp sơm, có thể do nhiều lý do. Báo động áp lực tinh mạch xảy ra khi:
- Chạm đầu kim vào thành mạch mạch máu
- Xoắn hoặc gập ống dẫn máu
- Tách đường dẫn máu
- Đông máu trong quả lọc hoặc ống máu
- Hẹp mạch mâu đường vào mạch máu
- Tốc độ máu quá thấp hoặc quá cao
- Thoát mạch
- Kim không thích hợp
Các chỉ số xét nghiệm, áp lực động mạch, áp lực tĩnh mạch sẽ được bác sỹ ghi chép lại để xem xu hướng, bạn nên hỏi bác sỹ để biết được các kết qảu và ghi vào sổ theo dõi của mình.
BSCKI Nguyễn Thanh Hùng