Thận đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên trong cơ thể và loại bỏ chất lỏng dư thừa dưới dạng nước tiểu. Lọc máu thay thế một số chức năng này khi thận của bạn không còn hoạt động. Có hai hình thức lọc máu khác nhau – thẩm tách máu và thẩm phân phúc mạc. Bài viết này sẽ tập trung giải thích về chạy thận nhân tạo.

Khi nào cần lọc máu?

Bạn cần lọc máu nếu thận của bạn không còn loại bỏ đủ chất thải và chất lỏng từ máu để giúp cơ thể khỏe mạnh. Điều này thường xảy ra khi bạn chỉ còn 10 – 15% chức năng thận. Các triệu chứng phổ biến là buồn nôn, nôn, sưng tấy và mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chưa có những triệu chứng này, trong cơ thể bạn vẫn có thể tồn tại một lượng chất thải cao trong máu có thể gây độc. Tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết khi nào nên bắt đầu chạy thận.

Chạy thận nhân tạo hoạt động như thế nào?

Chạy thận nhân tạo là quy trình sử dụng máy chạy thận và một quả lọc đặc biệt được gọi là thận nhân tạo để làm sạch máu.

Quả lọc làm sạch máu của tôi như thế nào?

Quả lọc có hai phần, một phần để chứa máu khi lọc máu và một phần chứa dịch lọc. Giữa hai phần được ngăn cách bởi một lớp màng mỏng. Tế bào máu, protein và các chất quan trọng khác sẽ không bị loại bỏ vì kích thước của chúng lớn không thể vượt qua màng. Các chất thải nhỏ hơn trong máu, chẳng hạn như urê, creatinin, kali và chất lỏng thừa sẽ đi qua màng và bị rửa trôi.

Chạy thận nhân tạo ở đâu?

Chạy thận nhân tạo có thể được thực hiện tại bệnh viện, tại trung tâm lọc máu hoặc tại nhà. bác sĩ sẽ quyết định nơi nào là tốt nhất dựa trên tình trạng sức khỏe và mong muốn của bạn.

Mỗi đợt điều trị chạy thận nhân tạo sẽ kéo dài bao lâu?

Ở trung tâm lọc máu, chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 4 giờ. Những người chọn chạy thận nhân tạo tại nhà có thể điều trị lọc máu thường xuyên hơn, 4-7 lần mỗi tuần, mỗi lần ngắn hơn.

Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn biết bạn cần điều trị bao nhiêu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chạy thận đúng cách sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn, giúp bạn không phải đến bệnh viện và giúp bạn sống lâu hơn. Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ theo dõi quá trình điều trị của bạn bằng các xét nghiệm hàng tháng để đảm bảo bạn được chạy thận phù hợp. Họ có thể sử dụng phương pháp  tỷ lệ giảm urê (URR) hoặc độ thanh lọc Ure tổng (Kt/V). Để đảm bảo rằng bạn đang chạy thận đủ:

* Kt/V của bạn ít nhất phải là 1,2 hoặc

* URR của bạn ít nhất phải là 65%.

Tôi có cần ăn một chế độ ăn kiêng đặc biệt không?

Có. Nói chung, bệnh nhân lọc máu nên tăng lượng protein và hạn chế lượng kali, phốt pho, natri và chất lỏng trong chế độ ăn uống của họ. Bệnh nhân tiểu đường hoặc các tình trạng sức khỏe khác sẽ có thêm các hạn chế khác về chế độ ăn. Các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể những gì tốt nhất cho sức khoẻ của bạn.

Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ theo dõi quá trình điều trị của bạn bằng các xét nghiệm hàng tháng để đảm bảo bạn chạy thận một lượng phù hợp và bạn đang đáp ứng các mục tiêu ăn kiêng của mình.

Lọc máu có thể chữa khỏi bệnh thận không?

Trong một số trường hợp suy thận đột ngột hoặc cấp tính, có thể chỉ cần lọc máu trong thời gian ngắn cho đến khi thận khỏe hơn. Tuy nhiên, khi bệnh thận mãn tính tiến triển thành suy thận theo thời gian, thận của bạn không thể phục hồi và bạn sẽ phải lọc máu trong suốt phần đời còn lại của mình trừ khi bạn được ghép thận.

Khi chạy thận nhân tạo, tôi có cảm thấy khó chịu không?

Khi bạn bắt đầu chạy thận nhân tạo, các kim đưa vào lỗ rò có thể gây khó chịu. Hầu hết người bệnh quen với việc này trong thời gian ngắn. Đội ngũ y bác sĩ sẽ đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể trong quá trình điều trị. Các triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn hoặc chóng mặt không phổ biến, nhưng nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, hãy nói với bác sĩ hoặc điều dưỡng để họ thực hiện một vài điều sau đây để có thể giúp :

* Làm chậm quá trình loại bỏ chất lỏng của bạn, điều này có thể làm tăng thời gian lọc máu của bạn.

* Tăng lượng natri trong dịch lọc của bạn.

* Kiểm tra các loại thuốc cao huyết áp của bạn.

* Điều chỉnh trọng lượng khô của bạn hoặc trọng lượng mục tiêu.

* Làm nguội dịch lọc một chút.

* Sử dụng một loại thuốc đặc biệt để giúp ngăn ngừa huyết áp thấp trong quá trình lọc máu

Bạn có thể tự giúp mình bằng cách tuân theo chế độ ăn uống và lượng nước cho phép. Việc phải loại bỏ quá nhiều chất lỏng trong quá trình lọc máu là một trong những điều có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu trong quá trình điều trị.

Việc tái sử dụng quả lọc của mình có an toàn không?

Trước khi bạn sử dụng lại quả lọc của mình, trung tâm lọc máu sẽ làm sạch nó theo các hướng dẫn cẩn thận. Nếu được thực hiện đúng cách, việc sử dụng lại sẽ an toàn. Trước mỗi lần điều trị, quả lọc phải được kiểm tra để đảm bảo rằng nó vẫn hoạt động tốt. Nếu không, bạn nên bỏ nó và thay thế bằng một quả lọc mới. Hỏi các bác sĩ điều trị của bạn xem họ đã kiểm tra quả lọc của bạn chưa và liệu nó có còn hoạt động tốt hay không.

Nếu bạn không muốn sử dụng lại quả lọc của mình, trung tâm lọc máu sẵn sàng cung cấp cho bạn quả lọc mới cho mỗi lần điều trị.

Bệnh nhân chạy thận có được đi du lịch không?

Có. Các trung tâm lọc máu được đặt ở khắp mọi nơi trên Việt Nam và ở nước ngoài.

Trước khi đi du lịch, bạn phải đặt lịch hẹn điều trị lọc máu tại một trung tâm khác. Nhân viên tại trung tâm của bạn có thể giúp bạn sắp xếp cuộc hẹn này.

Bệnh nhân lọc máu có thể tiếp tục làm việc không?

Có. Nhiều bệnh nhân lọc máu tiếp tục làm việc hoặc trở lại làm việc sau khi họ đã quen với việc lọc máu. Nếu công việc của bạn phải lao động chân tay nhiều (khuân vác nặng, đào bới, v.v.), bạn có thể phải thay đổi công việc của mình.