KHI NÀO BẮT ĐẦU ĐIỀU TRỊ?

Điều trị thận nhân tạo cần bắt đầu khi bạn suy thận giai đoạn 5. Bác sỹ sẽ nói cho bạn biết bằng xét nghiệm mức lọc cầu thận. Mức lọc cầu thận được tính qua xét nghiệm creatinin máu, nó là sản phẩm từ hoạt động của cơ. Mức lọc cầu thận dưới 15 là bạn đã suy thận giai đoạn cuối, bạn sẽ cần điều trị thay thế thận. Nếu mức lọc cầu thận của bạn dưới 30, bác sỹ sẽ chỉ cho bạn các phương pháp điều trị thay thế thận. Bạn hãy lựa chọn một phương pháp điều trị tốt nhất sau khi đã thảo luận với bác sỹ và gia đình.

THẬN NHÂN TẠO DUY TRÌ SỨC KHỎE CỦA TÔI NHƯ THẾ NÀO?

Cả thận nhân tạo và lọc màng bụng đều điều trị cho bạn bằng cách:

  • Loại bỏ nước, muối thừa để đề phòng tích lũy trong cơ thể bạn.
  • Duy trì các chất hóa học trong máu ở mức độ an toàn.
  • Kiểm soát huyết áp bình thường.

THẬN NHÂN TẠO LÀM VIỆC NHƯ THẾ NÀO?

Máy thận nhân tạo có một màng lọc đặc biệt được gọi là quả lọc để lọc sạch máu. Để đưa máu đến quả lọc, bác sỹ cần có đường vào mạch máu (cầu tay). Thường được làm sau khi bạn làm phẫu thuật nhỏ, thông thường ở tay.

Có ba loại đường vào mạch máu khác nhau là thông động tĩnh mạch tự thân,thông động tĩnh mạch nhân tạo và catheter.

Thông động tĩnh mạch tự thân là lựa chọn đầu tiên. Nó được làm bằng cách nối một động mạch và một tĩnh mạch dưới da gần đó để tĩnh mạch đó lớn hơn. Đây là loại đường vào mạch máu được ưa chuộng bởi nó có ít biến chứng và tuổi thọ dài hơn. Bạn nên được phẫu thuật ít nhất sáu tháng trước khi bạn được lọc máu. Đường vào mạch máu này cần được tiến hành làm sớm để có thời gian trưởng thành sẵn sàng cho điều trị lọc máu.

Nếu mạch máu của bạn không phù hợp cho phẫu thuật tạo lỗ thông động tĩnh mạch tự thân, bạn sẽ được phẩu thuật một mạch máu nhân tạo. Phẫu thuật này được làm bằng cách nối một động mạch và một tĩnh mạch gần đó qua một ống nhỏ, ngắn, được làm từ chất liệu tổng hợp và đặt ngay dưới da.

Sau khi lỗ thông động tĩnh mạch tự thân và nhân tạo đã hoàn thiện và bắt đầu được điều trị lọc máu, bạn sẽ được cắm hai kim – một ở phần động mạch và một kim ở phần tĩnh mạch của đường vào mạch máu – sau mỗi lần bạn đi điều trị. Kim được nối với một đường ống. Một đường dẫn máu đến quả lọc nơi máu được làm sạch và một đường kia đưa máu đã sạch quay trở lại cơ thể.

Loại đường vào mạch máu thứ ba, được gọi là catheter, được đặt vào trong một tĩnh mạch lớn ở cổ và ngực. Loại này nhìn chung chỉ được sử dụng khi bạn lọc máu trong một thời gian ngắn. Catheter cũng có thể sử dụng lâu dài khi bạn không có khả năng tạo lỗ thông động tĩnh mạch tự thân và nhân tạo. Catheter nối thẳng với đường máu mà không cần sử dụng kim.

QUẢ LỌC LÀM SẠCH MÁU CỦA TÔI NHƯ THẾ NÀO?

Quả lọc, hoặc màng lọc, có hai phần – một phần chứa máu của bạn và phần kia chứa dịch được gọi là dịch lọc. Một màng mỏng ngăn hai phần với nhau. Các tế bào máu, protein, và những thành phần quan trọng khác được giữ trong máu bởi chúng quá lớn để đi qua được màng lọc. Các sản phẩm thừa nhỏ như ure creatinin và nước qua được màng lọc và được thải ra ngoài.

thận nhân tạo

 

THẬN NHÂN TẠO ĐƯỢC LÀM Ở ĐÂU?

Thận nhân tạo có thể được tiến hành ở bệnh viện, các trung tâm lọc máu, hoặc ở nhà. Bạn và bác sỹ cũng như các thành viên trong gia đình quyết định nơi nào làm tốt nhất tùy thuộc vào điều kiện y tế và nguyện vọng của bạn.

thận nhân tạo

MỖI BUỔI ĐIỀU TRỊ THẬN NHÂN TẠO KÉO DÀI BAO LÂU?

Điều trị thận nhân tạo thường được tiến hành ba lần một tuần. Mỗi buổi điều trị thường mất khoảng bốn giờ, nhưng cũng có thể lâu hơn hoặc ít hơn để chắc chắn bạn đã lọc máu đầy đủ. Số lần lọc máu phụ thuộc vào:

  • Thận của bạn còn làm việc được bao nhiêu
  • Bạn tăng bao nhiêu cân giữa các lần điều trị
  • Cân nặng của bạn
  • Các chất thải trong máu của bạn
  • Phương pháp thận nhân tạo mà bạn điều trị

Bác sỹ sẽ tính toán cho bạn biết bạn cần bao nhiêu lần lọc máu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn lọc máu đầy đủ, bạn sẽ thấy cải thiện được sức khỏe, bạn ít phải nhập viện và kéo dài tuổi thọ.

LÀM THẾ NÀO TÔI BIẾT MÌNH ĐÃ LỌC MÁU ĐẦY ĐỦ?

Bạn sẽ được kê đơn điều trị lọc máu. Nó giúp bạn biết chắc chắn bạn đã lọc máu đủ số lượng. Hơn nữa, các bác sỹ ở trung tâm lọc máu theo dõi kết quả điều trị của bạn qua một xét nghiệm hàng tháng để tính toán số lượng lọc máu của bạn (liều lọc máu chia tách) thông qua chỉ số Kt/V (Ka tê trên Vê). Kt/V thay đổi phụ thuộc vào bạn lọc máu bao nhiêu lần và chức năng thận của bạn còn lại bao nhiêu. Đối với bệnh nhân lọc máu ba lần mỗi tuần, Kt/V thấp nhất 1.2 mỗi buổi điều trị.

Phương pháp khác sử dụng để tính kiều lọc máu là URR (tỷ lệ giảm ure). Tỷ lệ này cần đảm bảo trên 65%.

Chú ý: Cần biết về liều lọc máu:

Hỏi bác sỹ xét nghiệm nào để đo liều lọc máu chia tách.

Hỏi về kết quả Kt/V. Nếu Kt/V không được tốt, bạn hãy hỏi làm thế nào để cải thiện nó.

Bạn hãy hỏi bác sỹ về:

  • Đường vào mạch máu của bạn có làm việc tốt không
  • Quả lọc có tốt không
  • Tốc độ máu và tốc độ dịch lọc có thấp trong khi lọc máu không
  • Kỹ thuật lấy máu xét nghiệm đã chuẩn chưa

Bạn có thể giúp chắc chắn đã lọc máu đầy đủ nếu:

  • Lọc máu đủ thời gian và đủ số buổi
  • Duy trì y lệnh lọc máu

LỌC MÁU CÓ CHỮA ĐƯỢC THẬN CỦA TÔI KHÔNG?

Trong trường hợp bạn bị suy thận cấp, lọc máu chỉ cần trong thời gian ngắn cho đến khi thận của bạn hồi phục. Tuy nhiên, khi bệnh thận mạn tiến triển chậm trong thời gian dài dẫn đến suy thận, thận của bạn không thể hồi phục, bạn phải điều trị lọc máu đến cuối đời hoặc đến khi bạn ghép thận.

TÔI ĐÃ NGHE NÓI VỀ SỬ DỤNG LẠI QUẢ LỌC. NÓ CÓ AN TOÀN KHÔNG?

Trước khi bạn sử dụng lại quả lọc, trung tâm lọc máu có những nhân viên được đào tạo cẩn thận. Nếu làm đúng quy định, sử dụng lại quả lọc là rất an toàn. Trước khi điều trị, quả lọc được kiểm tra rất kỹ càng.

Nếu quả lọc không tốt, nó sẽ được bỏ và thay bằng quả lọc mới.

Nếu bạn không muốn sử dụng lại quả lọc, bạn có thể đề nghị không sử dụng lại. Bạn cũng cần biết về các chi phí nếu không muốn sử dụng lại.

THẬN NHÂN TẠO SẼ THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG CỦA TÔI KHÔNG?

Bạn và gia đình cần thời gian để điều trị. Bạn cần học tập để làm quen với công việc mới, thời biểu mới, lối sống mới để phù hợp với lịch điều trị của bạn.

Mỗi lần điều trị, bạn sẽ thấy khỏe hơn. Thực tế, bạn có thể thực hiện được những hoạt động mà bạn thích thú. Các thuốc điều trị thiếu máu và bệnh lý xương sẽ làm bạn khỏe hơn.

BỆNH NHÂN THẬN NHÂN TẠO CÓ THỂ LÀM VIỆC KHÔNG?

Có. Nhiều bệnh nhân thận nhân tạo tiếp tục trở lại với công việc sau khi điều trị. Nếu công việc yêu cầu phải phù hợp với bệnh của bạn (mang vác, đào xới…), bạn cần thay đổi công việc phù hợp.

Chú ý: thoải mái với lọc máu

Các triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nhìn chung ít xảy ra trong quá trình lọc máu. Nếu bạn từng trải qua các triệu chứng đó, bạn nên hỏi bác sỹ để từng bước:

  • Rút dịch chậm, tăng thời gian lọc máu.
  • Kiểm tra tác dụng của các thuốc huyết áp.
  • Bạn cần điều chỉnh cân khô phù hợp
  • Nhiệt độ dịch lọc hơi thấp

Bạn có thể tự giúp mình bằng thực hiện chế độ ăn ít muối cẩn thận và hạn chế uống nước để tránh thừa dịch cho cơ thể.

 

BSCKI Nguyễn Thanh Hùng